Người mắc bệnh tổ đỉa không nên quá lo lắng về những biểu hiện khi rầm rộ khi thoái lui của bệnh vì bệnh không lây truyền và có thể ngăn ngừa quá trình tăng nặng.
Bệnh tổ đỉa là gì?
Bệnh tổ đỉa là bệnh viêm da đặc biệt, chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón. Bệnh chưa xác định được nguyên nhân.
Một số nghiên cứu cho thấy, người có cơ địa dị ứng, có sang chấn thần kinh dễ nhạy cảm với các dị nguyên như hóa chất, cao su, xà phòng, nước hoa, một số chất trong mỹ phẩm, đồ ăn, thức uống hoặc thay đổi khí hậu…
Bệnh thường thấy ở những người mà nghề nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với :
+ Dầu mỡ (công nhân cơ khí, thợ sửa xe…),
+ Hóa chất công nghiệp, rác thải (công nhân vệ sinh, phân loại rác, bới rác…),
+ Hóa chất bảo vệ thực vật như người trồng rau vùng ngoại thành các thành phố lớn, đặc biệt là những người trồng rau nước (rau muống, rau cần…) ở gần các vùng mà nước thải thành phố chảy qua.
Bệnh liên quan đến tình trạng viêm nhiễm của da do điều kiện da tiếp xúc với những bụi bẩn …
Phòng ngừa bệnh tổ đỉa
– Cần tránh ăn uống các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng với cơ thể, hạn chế ăn uống các chất cay, nóng, kích thích (ớt, hạt tiêu, bia, rượu…).
– Tránh tiếp xúc với các đồ dùng, vật dụng dễ gây dị ứng.
– Thường xuyên vệ sinh cá nhân giữ cho bàn tay, bàn chân sạch sẽ, khô ráo không để ẩm ướt.
Đặc biệt lưu ý khi bị tổ đỉa gây ngứa, người bệnh không nên gãi, chà xát hoặc dùng kim chọc vỡ mụn nước vì tổ đỉa rất dễ bị bội nhiễm vi trùng gây viêm mủ da.
Đồng thời hạn chế để vùng tổn thương tiếp xúc với xà phòng, xi măng…
Nếu phát hiện thấy có các triệu chứng bệnh tổ đỉa như đã nêu ở phần đặc điểm bệnh tổ đỉa, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được khám và hướng dẫn xử lý.